Kiến tập là quá trình quan sát, theo dõi công việc thực tế, đối với mỗi ngành nghề khác nhau sẽ tới những nơi khác nhau. Đây là lúc chúng ta so sánh và áp dụng kiến thức đã học tại trường để rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình.
Kiến tập nằm trong chương trình giáo dục đại học, cao đẳng ở nước ta, là khoảng thời gian mà các bạn sẽ được tham gia công việc thực tế. Do đó, có nhiều người nhầm lẫn giữa kiến tập và thực tập. Vậy giữa hai khái niệm này có sự khác biệt ra sao? Để giải đáp thắc mắc thì trước tiên chúng ta tìm hiểu khái niệm kiến tập là gì nhé!
Kiến tập là gì? Khác với thực tập như thế nào?
Kiến tập là chương trình được lên kế hoạch và triển khai bất kỳ thời điểm nào trong 4 năm đại học và 3 năm cao đẳng của các bạn sinh viên. Trong quá trình này các bạn sẽ được quan sát công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhằm hiểu rõ hơn những kiến thức đã học và biết cách để áp dụng vào thực tế. Sau đó là viết báo cáo và đúc kết được những kinh nghiệm cho mình.
Thực tập cũng là một kế hoạch, chương trình được nhà trường tổ chức và được các bạn đăng ký chọn nơi thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp. Trong quá trình này chúng ta sẽ được tiếp xúc trực tiếp công việc, có cơ hội vận dụng những kiến thức, chuyên môn đã học để làm việc thực tế và đáp ứng đúng yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra. Do vậy, kết thúc kì thực tập nếu doanh nghiệp có nhu cầu về tuyển dụng thì mọi người có thể sẽ có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi ra trường.
Vậy sự khác biệt giữa 2 khái niệm trên như sau: Kiến tập có thời gian thực hiện ngắn hơn và diễn ra bất kỳ thời điểm nào trong những năm học, còn thực tập có thời gian kéo dài hơn và chỉ diễn ra ở năm cuối đại học.
Cần chuẩn bị những gì để có kì kiến tập hiệu quả?
Để tránh khỏi sự bỡ ngỡ thì trước kì kiến tập các bạn nên chuẩn bị những kiến thức cần thiết vừa để trấn an tinh thần vừa giúp cho kì kiến tập đạt hiệu quả. Có những điều không thể bỏ qua như:
Tìm hiểu thông tin đơn vị thực tập: Đây là việc làm trước tiên bởi bạn phải hiểu rõ nơi mà mình thực tập có phù hợp với chuyên ngành đã học. Do vậy, phải tìm hiểu các thông tin như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, người đứng đầu, người dẫn dắt(thông tin liên hệ, số điện thoại), lĩnh vực hoạt động, mục tiêu, sứ mệnh, cơ cấu các bộ phận phòng ban, bộ phận mà bạn sẽ kiến tập và với vị trí này thì chúng ta sẽ làm gì…
Trong quá trình này các bạn cần lưu ý những điều như: đến đúng giờ, chú ý vẻ ngoài, quan sát mọi thứ, chú ý thái độ làm việc và hãy hòa đồng, thân thiện với tất cả mọi người, dọn dẹp và sắp xếp không gian làm việc… Có lẽ chúng ta sẽ lo lắng và hơi e ngại vì lần đầu tiếp xúc với môi trường làm việc và gặp phải những tình huống trớ trêu. Nhưng đây là bước đầu tiên và quan trọng tạo nền tảng cho các bạn tìm được những công việc sau này, vì thế hãy tạo những ấn tượng tốt để hoàn thành cv cho bản thân.
Ghi chép và thu thập dữ liệu: Việc làm này rất quan trọng để làm báo cáo ở cuối kì. Do vậy, chúng ta cần ghi chép những gì mà mình thấy và nghe được trong quá trình làm việc, ngoài những thông tin trên mạng thì thực tế lại có nhiều điều khác biệt. Bên cạnh đó, là thu thập dữ liệu từ các cơ quan, doanh nghiệp bằng cách tìm hiểu những chương trình và kế hoạch mà họ thực hiện, chủ động hỏi những thông tin cần thiết cho mình, tham gia vào thực hiện…
Kết thúc kiến tập cần làm gì?
Hãy liên hệ với thầy, cô và người trực tiếp quản lý bạn để tham khảo ý kiến cho việc xây dựng đề tài trong báo cáo. Sau khi hoàn thành chúng ta có thể gửi đến người quản lý để xin ý kiến nhận xét, đánh giá từ họ.
Cuối cùng hãy thể hiện thái độ lịch sự và biết ơn đối với đơn vị đã hỗ trợ, có thể họp bàn với bạn bè để biếu quà tặng. Việc làm này để giữ mối quan hệ tốt đẹp với họ, qua đó còn đánh giá được thái độ của chúng ta đối với mọi người và đối với công việc.
Qua phần trình bày này ngoài việc tìm hiểu kiến tập là gì thì chúng ta còn biết cần chuẩn bị những gì cho quá trình kiến tập. Bởi chỉ khi tìm hiểu rõ mọi thứ thì mọi người mới có thể an tâm, tự tin để sẵn sàng cho đợt kiến tập của mình.